Tin tức

30 năm ngày mất của Giáo sư Lê Văn Thiêm (29.3.1918 – 3.7.1991)

Nhân 30 năm ngày mất của Giáo sư Lê Văn Thiêm (29.3.1918 – 3.7.1991), Viện Toán học trân trọng giới thiệu bài viết cúa PGS. TS Lê Quốc Hán

NGƯỜI THAY ĐỔI ĐỜI TÔI 

Tuổi thanh xuân đầy giông bão. Tôi vượt qua được nhờ ân nghĩa nhiều người. Giáo sư Lê Văn Thiêm (29.3.1918 – 3.7.1991) là người tôi mang ân nghĩa nặng như núi. Hôm nay, nhân 30 năm Người về cõi an lạc, xin kể về lần đầu tiên tôi được gặp Người. 

Tấm lòng Thầy

Kính tặng Giáo sư Lê Văn Thiêm

Từ quê hương em mang đến tặng Thầy 

những tiếng nói ngọt ngào dân Hà Tĩnh 

tiếng rì rào của ngàn cây Hồng Lĩnh 

tiếng thì thầm của ngọn sóng La Giang

Ôi! Tình thương xua hết sự ngỡ ngàng

cho xích lại trong một bầu tâm sự

Thầy bâng khuâng kể về thời quá khứ

em bồi hồi mơ ước tới tương lai

Vạch cho em đường dẫn đến ngày mai 

lát bằng gạch của một đời cần mẫn

lời khuyên ấy xin lấy làm lẽ sống 

và bắt đầu từ khởi điểm hôm nay

Sách Thầy cho em nghiền ngẫm đêm ngày 

bỗng sáng rực một chân trời hiện đại* 

đường xa thẳm em thấy mình vững lái 

khi tình thầy tỏa bóng xuống mênh mang

* Trong ba cuốn sách Thầy cho ngày ấy có cuốn "Đại số hiện đại" của Sten Hu.

Tháng 12 năm 1974. 

Tôi nhận được giấy mời ra dự lễ kỷ niệm mười năm báo Toán học & Tuổi trẻ.  Lễ kỷ niệm diễn ra tại Khách sạn Phùng Hưng. Sáng đó tiết trời rất lạnh. Tôi đến sớm, phòng họp chưa có ai. Chọn một chỗ ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Một lát sau, mọi người lần lượt đến. Tôi ngước mắt nhìn từng gương mặt mỗi người, thầm cảm phục những công trình toán học họ dâng hiến cho đời. Đang say sưa quan sát, một người ngồi xuống bên cạnh. Tôi ngước lên: một ông già đẹp như tiên với khuôn mặt phúc hậu, nhìn tôi âu yếm và tự giới thiệu: mình là Thiêm, Lê Văn Thiêm, đồng hương của Hán đây. Thực sự bất ngờ choáng váng: không ngờ nhà toán học đầu đàn của nền Toán học Việt Nam, từng đi khắp trời Âu Mỹ học tập, nghiên cứu và giao lưu lại giản dị, gần gũi, thân quen đến thế. Cùng lúc, thầy Hoàng Chúng - thư ký Tòa soạn - đến báo tin tôi sẽ thay mặt các cộng tác viên phát biểu ý kiến. Tôi hết sức bàng hoàng vì mình đã chuẩn bị gì đâu. Thầy Thiêm gợi ý: Hán nghĩ gì nói nấy, mọi người sẽ thông cảm. Rồi thầy Chúng mời thầy Thiêm lên Chủ tịch đoàn chủ trì buổi lễ.

Được Thầy cho phép, chiều hôm ấy tôi lên gia đình Thầy chơi. Thầy ở tầng hai khu chung cư phố Hàng Chuối, số 16 hay 18 gì đó lâu rồi không nhớ rõ. Tôi im lặng nghe Thầy kể về những kỷ niệm tuổi thơ, nỗi lòng nhớ cố hương trong những ngày học tập và nghiên cứu xa Tổ quốc. Bất ngờ Thầy hỏi tôi có ước muốn gì cần trình bày không. Tôi nói rằng em chỉ có một mơ ước duy nhất được vào học đại học để biết trên ấy toán học như thế nào. Thầy căn dặn: hãy kiên nhẫn! Khi chia tay, xuống đến sân tôi ngước nhìn lên: Thầy vẫn đứng trên ban công nhìn tôi và đưa tay vẫy. Tôi mường tượng hai cánh tay ấy sẽ trở thành đôi cánh nâng tôi thực hiện mơ ước của mình. Đêm ấy, tôi thao thức không ngủ và làm một bài thơ gửi tặng Thầy, kèm theo lá thư nói về sự xúc động và lòng biết ơn trước tình cảm cởi mở của Thầy đối với một người học trò nhỏ bé và lận đận trong đời. Nhận được, Thầy cảm động lắm. Bởi sau đó một số người kể rằng Thầy cho họ xem thư và bài thơ ấy cùng với lời nhận xét: Hán giỏi Văn còn hơn giỏi Toán.

Rồi dịp may cũng đến. Thống nhất đất nước, thầy Nguyễn Văn Hoàn được điều về Tỉnh ủy Hà Tĩnh tham gia biên soạn cuốn "Địa lý Hà Tĩnh". Thầy là trưởng đoàn kiến tập thời tôi học Sư phạm 10 + 1, từng cùng trọ và nghe tôi kể lại những thăng trầm đời học sinh của mình. Ông Nguyễn Tiến Chương, Bí thư Tỉnh ủy, chủ trì biên soạn. Trong một lần vui chuyện, thầy Hoàn nhắc đến chuyện học hành trục trặc của tôi. Ông Chương hết sức ngạc nhiên: mấy năm trước nhận được thư của Giáo sư Lê Văn Thiêm, bọn mình đã đồng ý cho Hán đi học rồi mà. Thầy Hoàn cười: em vừa mới vào công tác Kỳ Anh, gặp Hán đang dạy cấp hai ở quê anh. Năm sau, Nghệ An và Hà Tĩnh sát nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh, ông Nguyễn Tiến Chương ra Vinh làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Thầy Hoàn cũng chuyển ra làm ở bộ phận Văn phòng Tỉnh ủy. Ông Chương nói với thầy Hoàn nhắn tôi ra gặp trực tiếp để hiểu rõ về hoàn cảnh thực của tôi. Ông hết sức ngạc nhiên khi biết cha tôi từng làm Thư ký Ủy ban kháng chiến Kỳ Anh cùng thời ông làm Ủy viên Quân sự huyện. Ông chặc lưỡi: thế mà người ta báo cáo lên Hán con nhà địa chủ phản động. Ông bảo bây giờ tự nhiên cử Hán đi học thêm cũng khó, chi bằng Hán xin GS Lê Văn Thiêm lá thư giới thiệu mình dễ trình bày với các cấp có thẩm quyền hơn. Tôi viết thư tâm sự và Thầy Thiêm gửi thư cho ông. Cầm lá thư đó, ông Chương trao đổi với Lãnh đạo Ty Giáo dục và Ủy ban tỉnh. Rồi họ gửi hồ sơ ra Bộ Giáo dục đề nghị cho tôi đi học. Lúc đó vào đầu tháng 12, sinh viên đã nhập học. Bộ gọi điện cho thầy Lê Hoài Nam, đương kim Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Vinh và Thầy vui vẻ nhận tôi vào học đặc cách Khoa Toán năm thứ nhất không phải qua kỳ thi chung. Từ đó, cuộc đời tôi bước sang một trang khác: được sống và làm việc với những ước mơ của mình.

Bước sang tuổi "cổ lai hy", bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm xưa, đặc biệt cuộc gặp gỡ kỳ lạ với Giáo sư Lê Văn Thiêm. Tôi thường nghĩ: nếu không có những con người với tấm lòng vàng như Giáo sư, hẳn cuộc đời tôi mãi mãi bị chôn vùi cùng với những ước mơ thơ ấu ở một miền quê hẻo lánh xa xôi. Tự nhiên ngửa mặt lên trời và ứa nước mắt.

 

                                                                                                     Lê Quốc Hán 

LAST_UPDATED2