News

Ra mắt hai Trung tâm quốc tế dạng 2 về Toán học và Vật lý được UNESCO công nhận và bảo trợ

Được thành lập dưới sự bảo trợ của UNESCO, hai Trung tâm quốc tế dạng 2 về Toán học và Vật lý sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, hiện thực hóa các cam kết quốc tế của Chính phủ; đồng thời tạo sự tin cậy, nâng cao uy tín, vị thế của quốc gia, giúp khoa học Việt Nam hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
 

Nâng cao uy tín, vị thế khoa học Việt Nam

Chiều 29/10/2021, Trung tâm Vật lý Quốc tế (ICP) và Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học (ICRTM) đã chính thức được ra mắt tại Hà Nội. Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp tổ chức. Buổi lễ ra diễn ra bằng cả hình thức trực tiếp tại Hội trường Hoàng Tuỵ, nhà A6, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và trực tuyến.

Tham dự Lễ ra mắt hai Trung tâm có Thứ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Mai Phan Dũng, trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội ông Christian Manhart, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Trần Tuấn Anh. Phát biểu trực tuyến từ Italia ông Claudio Arezzo, Trung tâm Vật lý quốc tế.

2

 Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại Lễ ra mắt

Phát biểu tại buổi Lễ Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết: Chiến lược Phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 đã xác định một số mục tiêu cần đạt, trong đó có mục tiêu “Đến năm 2020, hình thành một số tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới, đủ năng lực giải quyết những vấn đề trọng yếu quốc gia đặt ra đối với khoa học và công nghệ”. Để đạt được các mục tiêu, Chiến lược đã đặt ra một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển khoa học và công nghệ, trong đó có giải pháp “Tập trung đầu tư phát triển Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trở thành hai tổ chức khoa học và công nghệ hàng đầu quốc gia và ASEAN” và giải pháp “Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ. Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu chung trong khuôn khổ các thỏa thuận song phương, đa phương”.

Từ năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đề xuất với UNESCO việc thành lập Trung tâm Vật lý quốc tế và Trung tâm quốc tế đào tạo và nghiên cứu Toán học, được UNESCO công nhận và bảo trợ. UNESCO đã thông qua đề xuất của Việt Nam tại phiên họp Đại Hội đồng UNESCO lần thứ 39. Năm 2017, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký kết thỏa thuận chính thức với Tổng Giám đốc UNESCO.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, việc UNESCO công nhận và bảo trợ hai Trung tâm khẳng định vị thế khoa học của Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới, đồng thời giúp khoa học Việt Nam hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Trước đây, nhiều nhà Toán học và Vật lý của Việt Nam đã được tham gia các chương trình của UNESCO, được đào tạo, thực tập tại Trung tâm Vật lý quốc tế ICTP ở Italia và được hỗ trợ để phát triển sự nghiệp khoa học của mình. Đến nay, lĩnh vực Vật lý và Toán học của Việt Nam đã được cộng đồng khoa học trên thế giới công nhận. Thông qua Trung tâm quốc tế dạng 2 về Toán học và Vật lý tại Việt Nam, sẽ đóng góp cho nền khoa học của khu vực ASEAN và thế giới bằng các chương trình đào tạo cho khu vực ASEAN, bằng các hoạt động hợp tác nghiên cứu thông qua các chương trình của UNESCO.

TranTuanAnh

Ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu tại Lễ ra mắt

Ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, Trung tâm quốc tế dạng 2 về Toán học và Vật lý có tầm nhìn và sứ mệnh nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành cho khu vực và quốc tế, phù hợp với các chính sách và chiến lược của UNESCO, góp phần thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển của Tổ chức UNESCO, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyên môn giữa các nước thành viên. UNESCO rất coi trọng việc thành lập Trung tâm dạng 2. Việc thành lập các Trung tâm sẽ góp phần thực hiện chương trình đào tạo khoa học cơ bản, hỗ trợ cho các quốc gia ở châu Á, châu Phi, gắn với chiến lược các nước đang phát triển trong đó có phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học.

Bà Irina Bokova, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO cho rằng, việc thành lập các Trung tâm còn có ý nghĩa lớn lao hơn khía cạnh khoa học “Đó là liên quan tới vấn đề tiến bộ và phát triển bền vững của thời đại ngày nay, đó là về quyền con người, nhân quyền và nhân phẩm của con người”.

Góp phần thực hiện chương trình đào tạo khoa học cơ bản

Trong thời gian tới, hai Trung tâm sẽ có các mảng hoạt động chính gồm: Đào tạo Vật lý và Toán học trình độ quốc tế; Nghiên cứu Vật lý và Toán học trình độ quốc tế; Tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia giáo dục và tuyên truyền cho công chúng về lĩnh vực Vật lý và Toán học.  

Mảng Đào tạo sẽ được hai Trung tâm bắt đầu thực hiện từ năm nay, với 4 hạng mục chính là Đào tạo tài năng, nâng cao; Đào tạo Vật lý và Toán học trình độ sau đại học; Đào tạo sau tiến sĩ về Vật lý và Toán học, và Xây dựng chương trình đào tạo, quy trình tuyển chọn, quản lý, hỗ trợ tài chính đào tạo quốc tế trình độ thạc sỹ và tiến sỹ trong lĩnh vực Vật lý và Toán học thông qua các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học. Các chương trình này dành cho công dân Việt Nam và một số nước trong khu vực có nhu cầu, cũng như tại một số nước Châu Phi - nơi Vật lý và Toán học chưa thực sự phát triển.

 

Leramat 1

1

Lễ ra mắt Trung tâm Vật lý Quốc tế và Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học

Về mảng nghiên cứu, hai Trung tâm sẽ tổ chức các nhóm và các đề tài nghiên cứu nhằm xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, đạt trình độ khu vực và quốc tế, trong đó chú trọng sự tham gia của các nhà Vật lý và Toán học nước ngoài. 

Đồng thời, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu Vật lý và Toán học trong khu vực và quốc tế (tổ chức hội thảo quốc tế; trao đổi khoa học trong khu vực và quốc tế; xây dựng và tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu khu vực và quốc tế...).

Hai Trung tâm quốc tế dạng 2 về Toán học và Vật lý cũng có nhiệm vụ tổ chức hoạt động hợp tác quốc tế, bao gồm: Hợp tác với Chương trình quốc tế về Khoa học cơ bản (IBSP) của UNESCO, Trung tâm Quốc tế Vật lý lý thuyết (ICTP) tại Trieste (Italia) và các tổ chức khoa học khác, tổ chức các sự kiện khoa học và chuyển giao tri thức về Vật lý và Toán học (các lớp học, hội thảo, hội nghị, semina...) phù hợp với các chương trình của UNESCO.

Ngoài ra, hai Trung tâm cũng sẽ hợp tác nghiên cứu và ứng dụng Vật lý và Toán học với các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế, trong đó đặc biệt chú ý đến các quốc gia ASEAN, châu Á- Thái Bình Dương và châu Phi. Các hoạt động hợp tác bao gồm: trao đổi chuyên gia ngắn hạn, cử chuyên gia của Việt Nam đi dạy các lớp ngắn hạn, tham gia các hội nghị, hội thảo, đón chuyên gia và học viên của các nước đến học tập và làm việc tại Trung tâm. Hai Trung tâm cũng sẽ hợp tác với các trung tâm UNESCO dạng 2 khác trong lĩnh vực khoa học cơ bản.

Được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thành lập tháng 8 năm 2018, ICP đã phối hợp với Viện Vật lý hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Về nghiên cứu Vật lý trình độ quốc tế, ICP đã xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh với 30 đề tài nghiên cứu và 32 công trình khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín, 01 chương sách quốc tế, 05 công trình trên tạp chí quốc gia. Về hỗ trợ đào tạo, ICP đã tổ chức 08 lớp học quốc tế, thu hút được 532 học viên với 69 học viên quốc tế; hỗ trợ 02 nghiên cứu sinh Lào hoàn thành luận án thông qua các đề tài nghiên cứu cùng với các nhóm của Viện Vật lý. Về hợp tác quốc tế, ICP đã tổ chức 11 hội nghị quốc tế lớn với sự tham gia của 2229 đại biểu trong đó có 494 đại biểu quốc tế. 

Trong 3 năm qua, phát huy truyền thống nghiên cứu của Viện Toán học, ICRTM đã xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh với hơn 10 đề tài nghiên cứu xuất sắc và 20 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín, 10 khóa đào tạo quốc tế;  30 đoàn công tác song phương, 25 hội thảo quốc tế với sự tham dự của hơn 300 nhà khoa học và 500 học viên. Điểm mới của ICRTM là tích cực quảng bá Toán học qua các Ngày Toán học quốc tế, Ngày Sách Việt Nam, Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các triển lãm, các bài giảng đại chúng thu hút 400 lượt tham dự, hơn 200 000 lượt xem online. Hướng đến việc coi học tập và nghiên cứu là những công việc trong môi trường khoa học, ICRTM đã tổ chức 30 đề tài nghiên cứu sau tiến sĩ, tiến sĩ và thạc sĩ.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, hai Trung tâm khoa học được UNESCO bảo trợ chính là sự công nhận của quốc tế đối với nền tảng khoa học và trí tuệ của Việt Nam. Sự kiện này không những giúp Việt Nam tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN mà còn với các quốc gia khác thông qua mạng lưới của UNESCO, nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam đối với khu vực và quốc tế cũng như góp phần vào sự phát triển khoa học cơ bản của khu vực và thế giới.

Nguồn

LAST_UPDATED2