Tin tức

BÀI GIẢNG ĐẠI CHÚNG “TỪ KHẢO CỔ ĐẾN CÔNG NGHỆ THỰC TẾ ẢO: TRƯỜNG HỢP CHÙA MỘT CỘT THỜI LÝ NĂM 1105”

Baigiangdaichung2 NgayKHCN

  • Diễn giả: PGS.TS. Trần Trọng Dương
  • Thời gian: 11h00 ngày 12/06/2021
  • Địa điểm: Viện Toán Học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
  • Sự kiện được livestream trực tiếp trên trang fanpage Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF (Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata), Fanpage Institute of Mathematics, VAST, Hanoi, Kênh youtube Nhà báo Phan Đăng, Facebook Bản tin KHCN của Trung tâm Thông tin – Tư liệu và một số kênh truyền thông khác.

Đeo kính 3D, tham quan các di sản kiến trúc hay các bảo tàng, triển lãm công nghệ thực tế ảo có lẽ không còn quá xa lạ với du khách quốc tế. Song, tại Việt Nam, công nghệ này phát triển đến đâu và đang được ứng dụng như thế nào? Khảo cổ và thực tế ảo: Mối liên hệ là gì?

Nghiên cứu kiến trúc cổ thời Lý vốn là một công việc cần phải sử dụng nhiều nguồn tư liệu khác nhau, với các thao tác, các phương pháp của nhiều chuyên ngành khoa học như văn bản học, sử liệu học, bi ký học, khảo cổ học, Phật học, mỹ thuật học lịch sử, biểu tượng học…. Trong thời điểm hiện nay, các ngành khoa học ngày càng xích lại gần nhau hơn, các nhà khoa học đang trăn trở với nhiều hướng đi mới, với những câu hỏi về phương pháp luận, về những hệ vấn đề cần giải quyết, về một lộ trình làm việc phù hợp để có thể xích gần hơn đến các lý thuyết mới và hòa nhập với các khuynh hướng của giới nghiên cứu quốc tế.

Với cách nhìn nhận trên, bài giảng: “Từ khảo cổ đến công nghệ thực tế ảo: Trường hợp Chùa Một Cột” sẽ thảo luận những vấn đề cụ thể trong quá trình nghiên cứu, phỏng dựng kiến trúc một cột chùa Diên Hựu thời Lý. Bắt đầu bằng cứ liệu bi ký năm 1121, đến việc lắp ghép hàng ngàn mảnh vụn khảo cổ học, để đưa ra giả thuyết khoa học. Tiếp đến, bài nói chuyện sẽ trình bày lý thuyết mandala, các thao tác trong nghiên cứu, và phỏng dựng kiến trúc một cột thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo.

Được thực hiện bởi PGS.TS. Trần Trọng Dương - Trưởng phòng nghiên cứu Minh Văn – Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Giảng viên sau ĐH tại Học viện Khoa học xã hội, đồng thời là  Đồng sáng lập của Sen Heritage, bài giảng chắc chắn sẽ đem tới nhiều góc nhìn thú vị dành cho cộng đồng yêu công nghệ và lịch sử.

PGS.TS. Trần Trọng Dương là một nhà nghiên cứu về nhân văn, với các lĩnh vực chuyên môn hẹp như Hán học, văn tự học chữ Nôm, lịch sử kiến trúc, biểu tượng Phật giáo, lịch sử mĩ thuật, lịch sử cổ trung đại Việt Nam. Bên cạnh công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Học viện Khoa học xã hội (GASS, VASS), ông còn là thành viên cộng tác của Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm (USA). Từ năm 2011-2020, PGS.TS. Trần Trọng Dương đã thực hiện nghiên cứu nhiều kiến trúc Phật giáo thời Lý, đặc biệt tập trung vào kiến trúc Một Cột chùa Diên Hựu thời Lý, và đài đèn Quảng Chiếu. Năm 2018-2020, ông kết hợp với kiến trúc sư Đinh Anh Tuấn, nhà thiết kế Trần Thanh Tùng, và các thành viên khác của Sen Heritage sử dụng công nghệ VR3D và AR để tái lập lại kiến trúc Một Cột và tổng thể kiến trúc chùa Diên Hựu thời Lý.

Các bạn vui lòng đăng ký tham dự sự kiện trực tuyến theo đường Link: https://forms.office.com/r/k4eFkYqcvN

Ngoài ra, các bạn có thể đặt câu hỏi cho Diễn giả trong đơn đăng ký, Ban tổ chức sẽ tổng hợp và ưu tiên giải đáp tại sự kiện.

(Thời hạn đăng ký: trước 12h00 ngày 11/06/2021)

-----------------

Đây là một trong chuỗi 06 bài giảng đại chúng nằm trong khuôn khổ Chương trình Ngày Khoa học – Công nghệ Việt Nam năm 2021 với chủ đề: “Đổi mới sáng tạo để kiến tạo tương lai”. Chương trình được đồng tổ chức bởi Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học UNESCO (Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata. Với sự góp mặt của các nhà khoa học uy tín Việt Nam, cùng với các chủ đề đa dạng, cấp thiết trong đó có dịch bệnh COVID-19, sự kiện hy vọng sẽ lan tỏa được những kiến thức khoa học công nghệ mới tới đại chúng và tiếp thêm động lực cho các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam!

LAST_UPDATED2

Công bố khoa học mới